Gần đây có rất nhiều bạn inbox than phiền với Trà rằng “Anh làm cách nào mà tóc vào nếp dễ vậy. Chả bù cho tóc em, ốp cả lọ sáp lên đầu mà cứ 1 tiếng sau đã sập rồi”.
Ơ, vậy mọi người đã thực sự hiểu được nếp tóc là gì chưa? Trong bài viết tuần này, Trà sẽ giải đáp thắc mắc ấy và 4 lầm tưởng khiến mái tóc của chúng ta mãi chẳng có nếp. Let’s Go.
Mục Lục
1. Định nghĩa về nếp tóc
Nếp tóc là cách biểu thị việc form hay những sợi tóc luôn ngoan ngoãn, dễ dàng đổ theo chiều hướng của kiểu tóc mà chủ nhân mong muốn.
Ví dụ bạn muốn để kiểu tóc layer, những sợi tóc của bạn có xu hướng đổ xuôi và phủ về khu vực trán phía trước. Tương tự khi bạn muốn để Undercut, “sợi mô cứng trên da đầu” của mình ôn hòa đổ về phía sau. Tất cả ví dụ ấy chính là hình ảnh tiêu biểu của một mái tóc vào nếp.
Nhưng sở hữu nếp tóc thì có ích lợi gì?
Ưu điểm vượt trội nhất nó mang lại là giúp chúng ta dễ dàng tạo kiểu tóc mà bản thân yêu thích. Mái tóc cũng sẽ có được độ phồng, texture đẹp cuốn hút và giữ form lâu gấp nhiều lần.
Ngược lại, hàng triệu anh chàng vẫn đang ôm nỗi đau tóc chẳng vào nếp. Muốn để undercut mà tóc không chịu hợp tác, vuốt sáp đẹp trai được 30 phút thì đâu lại vào đấy, sập form hoàn toàn đầu tóc rũ rượi. Nghe có bực không cơ chứ.
Nguyên nhân chính xác nằm ở đâu? Đừng rời mắt, phần 2 của bài viết chắc chắn là những gì bạn đang thắc mắc trong đầu lúc này đấy.
2. 4 lầm tưởng khiến mái tóc mãi chẳng thể có nếp
Bạn đang loay hoay tìm cách để mái tóc ngoan ngoãn theo ý mình đúng không? Bạn muốn bản thân sở hữu một haircut đỉnh cao giống như các idol phải chứ? Tất cả sẽ chẳng thể đạt được nếu bạn vẫn đang mắc phải một trong 4 sai lầm sau đây.
2.1. Tóc cứ mềm là dễ vào nếp
Ở một khía cạnh nào đó thì luận điểm này nghe chừng khá hợp lý đấy chứ. Tóc mềm thì vuốt theo hướng nào chả nghe.
Nhưng nếu tóc quá mềm và tơ thì sao? Câu chuyện đó sẽ không còn đơn giản nữa. Bạn cứ vuốt lên, sợi tóc do quá nhẹ lại đổ hay bị rơi xuống. Vậy thử dùng sáp cố định xem nào. Ôi, tóc nhẹ quá sẽ xẹp lép và bay xuống khi gặp gió nhẹ trong vòng 1 nốt nhạc.
Do đó, không phải tóc cứ mềm là auto có nếp.
2.2. Tóc cứng thì làm gì có nếp
Ngược lại với câu chốt trên, tóc cứng vẫn hoàn toàn có thể có nếp dẫu biết rằng tóc dày cứng là kẻ thù của mọi kiểu tóc.
Bản thân Trà cũng là một người sở hữu chất tóc rễ tre “thảm họa” ấy. Mái tóc vô cùng khó bảo, nó không chịu nằm theo hướng ngược lại phía sau đúng form Pompadour mà Trà hay để.
Như rồi sao, tóc Trà giờ đây vẫn có nếp đó thôi. Các bạn tóc cứng ơi, chúng có thể lấy đây làm động lực và tự tin lên.
Tham khảo thêm: Giải đáp ngay tóc cứng dùng sáp gì phù hợp và điển trai nhất
2.3. Sản phẩm tạo kiểu quyết định toàn bộ việc tạo dựng nếp tóc
Đây là quan điểm sai lầm bắt gặp ở rất nhiều đấng mày râu. Họ nghĩ rằng cứ ốp sáp lên tóc là sẽ có nếp, không vào thì lại lấy thêm thật nhiều rồi thật nhiều. Tuy nhiên, hãy nhớ là sáp hay bất cứ sản phẩm tạo kiểu tóc cũng chỉ có công dụng tạo kiểu và giữ form. Nó không thể xây dựng cho chủ nhân một nếp tóc hoàn hảo được.
Nếp tóc và giữ form là 2 khái niệm khác nhau. Khi không có nếp, việc vuốt sáp trở lên khó khăn hơn bao giờ hết và mái tóc lại còn bị sụp đổ nhanh chóng.
2.4. Nếp tóc có được là do anh thợ cắt tóc
Một số bạn xem những video quảng cáo PR trên mạng xã hội thấy một anh chàng tóc tai bù xù vào salon lột xác và chỉ sau vài giây khoảnh khắc đã đẹp trai nam thần với mái tóc sành điệu. Và chúng ta nghĩ tóc vào nếp không một góc chết như vậy là do ông thợ tóc.
Không hề!
Đồng ý là người thợ bằng kinh nghiệm lâu năm có thể cắt tỉa những lớp tóc đan xen hài hòa. Nhờ đó mà mái tóc trở lên ăn khớp, dễ dàng vuốt tạo kiểu. Tuy nhiên, đó là dễ dàng hơn chứ không phải hình thành lên nếp tóc.
3. Vậy làm thế nào để có được một nếp tóc hoàn hảo?
Ủa, thế làm kiểu gì để xây dựng được một mái tóc ngoan ngoãn, nghe lời bây giờ. Dưới đây sẽ là 4 mẹo mà Trà đã áp dụng để đạt được hiệu quả vào nếp như hôm nay.
3.1. Chú trọng sấy tóc
“90% nếp tóc hình thành do quá trình sấy”. Nhớ kỹ đó. Bạn đang muốn để kiểu tóc gì, hãy học cách sấy tạo kiểu tóc đó và áp dụng ngày qua ngày. Dần dần từ vài tuần cho đến vài tháng, mái tóc sẽ quen với nếp mà chủ nhân mơ ước.
Sấy tóc vừa quyết định 80% thành công của một kiểu tóc đẹp khi tạo kiểu, lại vừa nắm 90% “cổ phần” trong việc hình thành nếp tóc. Giờ thì bạn đã biết cách yêu quý chiếc máy sấy của bản thân chưa.
3.2. Cắt tỉa một form tóc phù hợp
Thật vậy, ví dụ khi muốn tóc phải theo nếp Undercut mà bây giờ bạn vẫn còn để form layer thì khi nào tóc mới nghe lời đây.
Ngay lập tức, mang tấm hình kiểu tóc bạn mong muốn đến gặp Stylist và yêu cầu họ cắt cho bạn đúng form tóc đó. Sở hữu một form chuẩn thì bạn mới rút ngắn được quá trình xử lý mái tóc “cứng đầu” ấy.
3.3. Tạo kiểu tóc mong muốn thường xuyên
Các cụ vẫn hay nói “mưa dầm thấm lâu”. Ngày qua ngày bạn cứ tạo 1 kiểu tóc thì lâu dần sợi tóc cũng phải chịu thua và phục tùng chúng ta mà thôi. Đừng cả tháng mới làm tóc một lần và ngồi chắp tay cầu mong tóc phải có nếp đẹp như các idol. No hope!
3.4. Uốn tóc
Cuối cùng, nếu quá thích Undercut hay Side Part, Quiff,… quá rồi mà muốn phải cấp tốc để kịp chơi Tết thì phải làm thế nào đây? Đi uốn tóc đi – lời khuyên chân thành đến từ anh chàng đã từ làm điều ấy, không ai khác chính là mình.
Ngày xưa mình thích Pompadour lắm mà khổ nỗi tóc rễ tre vừa cứng, vừa thẳng. Thế là cậu sinh viên năm nhất đi uốn tóc luôn. Bất ngờ là tóc vào nếp ngay lập tức dù cho ngày đó mình chưa hề có kỹ năng sấy tóc thành thạo. Bạn hãy thử và cảm nhận sự khác biệt.
Tham khảo thêm: TOP 4 Kiểu Tóc Pompadour Đẹp Nhất Và Những Sự Thật Thú Vị
4. Lời kết
Qua bài viết, bạn đã hiểu thế nào là nếp tóc chưa? Với những kiến thức mà Trà chia sẻ, bạn có thể tự tin về một mái tóc vào nếp đẹp chuẩn nam thần rồi đúng không. Đừng quên cập nhật những nội dung hay và hữu ích duy nhất trên Phú Trà Blog.
Xin chào và hẹn gặp lại.
Thế bạn đã nghe tuyệt chiêu tạo nếp tóc bằng cách đội mũ chưa?
Úi trời. Đỉnh cao tạo nếp trong truyền thuyết.